Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Đệ nhất cao thủ trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung- Lâm Triều Anh

Trong số các nhân vật của Kim Dung thì nhân vật nữ thường là rất đẹp, thông minh và cũng rất giỏi võ công. Nhưng nhân vật võ công siêu phàm xếp vào hàng khai tông lập phái thì lại rất it, tiêu biểu nhất cho phái nữ có lẽ là  người sáng lập ra phái Cổ Mộ - Lâm Triều Anh




Trong một lần gặp gỡ Quách Tĩnh trên núi Toàn Chân, Khưu Xứ Cơ có nói về Lâm Triều Anh qua bài thờ được khắc trên đá. Ông ta nói người viết trên đó là nhân vật kiệt xuất trong võ lâm, thân thế vô cùng đặc biệt, văn võ toàn tài, phiêu dật tuyệt luân, tuy không phải là thần tiên, song cũng là nhân kiệt trăm năm mới có.

Lâm Triều Anh là người phụ nữ có liên quan đặc biệt đến cuộc đời Vương Trùng Dương, cách xuất hiện của bà cũng rất thú vị, trong lúc Vương Trùng Dương vì thua trận trước quân Kim, đã không còn chí hướng chôn thân trong ngôi cổ mộ thì Lâm Triều Anh đến trước mộ nhục mạ suốt 7 ngày đêm, Vương Trùng Dương không chịu nổi mới ra khỏi mộ để giao đấu, ra rồi mới hiểu được kẻ nhục mạ mình vì thiện ý, không muốn mình chôn vùi tài năng nên từ đó 2 người kết thân.

Lâm Triều Anh vốn có tình ý, muốn sau này kết phu thê với Vương Trùng Dương, nhưng vì sự nghiệp chống giặc chưa thành nên Vương Trùng Dương dù biết vẫn cố né tránh chuyện này, khiến cho Lâm Triều Anh đau khổ, dẫn đến trận quyết đấu với Vương Trùng Dương. Vốn là một người thông minh tuyệt đỉnh, bà đã thắng trong cuộc đấu và giành quyền giữ ngôi cổ mộ. Sau khi vào cư trú nơi này, Lâm Triều Anh tìm hiểu một số môn võ công mà Vương Trùng Dương khắc họa ở đây, rồi nghiền ngẫm sáng chế cách khắc chế môn võ công đó viết nên bộ Ngọc Nữ Tâm Kinh.

Ngọc Nữ tâm kinh là môn võ công mà Lâm Triều Anh dành cả đời mình trong cổ mộ viết nên, cốt chỉ để khắc chế toàn bộ võ công của Vương Trùng Dương và phái Toàn Chân.
Có 1 lần sau khi Lâm Triều Anh qua đời trong cổ mộ, Vương Trùng Dương có đến ngôi cô mộ và thấy võ công "Ngọc nữ tâm kinh" được Lâm Triều Anh khắc lên  hết sức tinh vi ảo diệu, mỗi chiêu đều là khắc tinh của võ công phái Toàn Chân, thì bất giác tái mặt, lập tức rời tòa nhà mồ, vào rừng sâu, ba năm liền không xuống núi, nghiền ngẫm cách hóa giải "Ngọc nữ tâm kinh", tuy một số chỗ có thành tựu, nhưng cuối cùng vẫn không tạo thành một bộ võ công hoàn chỉnh. Khâm phục tài trí của Lâm Triều Anh, cam bái hạ phong, không nghiên cứu nữa.

Ngọc nữ kiếm pháp  là khắc tinh của Toàn Chân kiếm pháp, chiêu thức nào cũng áp đảo chiêu thức của phái Toàn Chân, bước nào cũng đối đầu và chiếm tiên cơ, Toàn Chân kiếm pháp bất kể biến hóa cách nào, cũng không thoát nổi sự chế ngự của Ngọc nữ kiếm pháp. Môn võ công này cũng hết sức đặc biệt trong cách luyện tập, phải hai người luyện cùng ,hai người đó phải là nữ và khi luyện phải cỡi bỏ hết quần áo mà tập như theo cách lý giải : "Tâm kinh nói rằng khi luyện công, hơi nóng toàn thân bốc lên ngùn ngụt, cần tập ở nơi thoáng mát và rộng rãi, không có người, cởi bỏ hết quần áo mà tập, để cho hơi nóng lập tức phát tán, không đọng lại chút nào trong cơ thể, nếu không nó sẽ tích uất bên trong, nhẹ thì gây trọng bệnh, nặng thì làm chết người".(Thực ra không nhất thiết phải là hai người nữ, nhưng khi luyện phải cỡi bỏ y phục nên một nam một nữ e là khó luyện cùng nhau)


Ngoài Ngọc Nữ Tâm Kinh thì Lâm Triều Anh còn sáng tạo ra hai môn võ khác là  "Băng phách ngân châm" và "Ngọc phong châm". "Ngọc phong châm" là loại kim châm mỏng manh như sợi tóc, chế bằng sáu phần vàng, bốn phần thép, tẩm qua chất độc của loài ong bò vẽ, tuy mỏng manh, nhưng chất vàng rất nặng, nên khi phóng có thể bay xa. Có điều là thứ ám khí này cực độc, Lâm Triều Anh chưa từng sử dung, từ trung niên trở đi, võ công đạt tới cảnh giới xuất thần nhập hóa, càng không cần dùng đến nó.

Lâm Triều Anh cho rằng mọi nam tử trên thế gian đều vô ân bạc tình, anh hùng hiệp nghĩa như Vương Trùng Dương còn thế, huống hồ kẻ khác. Lâm Triều Anh định ra môn qui, phàm là người được truyền y bát, tất phải thề suốt đời sống trong nhà mồ, không được rời khỏi núi Chung Nam, song nếu có một nam tử cam tâm tình nguyện chết thay, thì lời thề coi như được xóa bỏ. Có điều là không được cho nam tử biết trước điều đó.

Sau lần Luận kiếm, Vương Trùng Dương trở thành thiên hạ đệ nhất, sở hữu Cửu Âm chân kinh, ông xem qua và dựa vào đó nghĩ ra cách hóa giải được Ngọc Nữ tâm kinh nên đã đem "Cửu Âm chân kinh" khắc trong mộ để hậu nhân của phái Cổ Mộ biết được. Có điều là Vương Trùng Dương cho rằng, "Ngọc nữ tâm kinh" là do Lâm Triều Anh tự sáng tạo ra, còn mình thì phải dựa vào di thư của người khác, so ra kém một bậc, nên sau đó ông ta tự khiêm nhường, thường dặn đệ tử phải theo cái đạo nghiêm khắc với mình, nhường nhịn người khác, nhận phần thiệt thòi.

Lâm Triều Anh không thu nhận đệ tử, chỉ có một a hoàn hầu cận, hai người khổ thủ ở trong nhà mộ, hơn mười năm không ra ngoài. Bao nhiêu võ công kinh nhân, Lâm Triều Anh đều truyền thụ cả cho a hoàn. Nữ a hoàn ấy không đặt chân vào chốn giang hồ, dĩ nhiên không ai hay biết. Nữ a hoàn đó có thu nhận hai đệ tử. Một người là Xích Luyện Tiên Tử Lý Mạc Sầu, người kia là Tiểu Long Nữ.


Trong một lần kể chuyện với Quách Tĩnh, Khưu Xứ Cơ nói:" Luận về võ công, người ấy còn cao hơn cả bốn đại tông sư, nhưng vì là nữ, không xuất đầu lộ diện, nên ít ai bên ngoài hay biết."

Bốn đại tông sư mà Khưu Xứ Cơ muốn nói đấy chính là Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái.

Quả thật thời ấy đương kim thiên hạ sánh ngang được với Vương Trùng Dương chỉ có Lâm Triều Anh, ai cũng là tuyệt đỉnh cao thủ, yêu thương nhau nhưng rồi kẻ xuất gia làm Đạo sĩ, người chôn vùi cả đời trong ngôi cổ mộ, sáng tạo ra những môn võ công chỉ để khắc chế lẫn nhau.








.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét