Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Đệ nhất cao thủ trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung - Phong Thanh Dương

"Cái họ của tại hạ đã chẳng ra gì, cái tên lại không hay ho nốt. Họ là Nhậm tên lại là Ngã Hành. Nếu biết sớm chỗ này thì ngày trước kêu bằng Nhĩ Hành thật hay hơn nhiều. Hiện giờ đã kêu bằng Ngã Hành tức là làm gì cũng tùy theo ý mình, thích đi đâu là đi ngay tới đó."


Câu nói đó cho thấy được Nhậm Ngã Hành là một kẻ ngang tàng, ngạo mạn, nhưng một kẻ như vậy trong thiên hạ vẫn có "3 người rưỡi" khiến y nể phục.

- Trụ trì chưởng môn phái Thiếu Lâm Phương Chứng đại hòa thượng

- Giáo chủ Thần giáo đương thời Đông Phương Bất Bại

- Hoa Sơn Kiếm Tông Phong Thanh Dương

- Chưởng môn phái Võ Đang Xung Hư đạo trưởng 


Dường như sự nể phục của Nhậm Ngã Hành đối với "3 người rưỡi" đó cũng không hề như nhau. Cách nể phục của ông ta với Phương Chứng đại sư là sự nể phục dành cho một đối thủ ngang tầm với ông ta. Với Đông Phương Bất Bại thì đó là sự nể phục kèm theo thù hận. Với Xung Hư đạo trưởng thì chỉ có 5 phần mà thôi, và với Nhậm Ngã Hành thì Xung Hư tài giỏi nhưng chưa chắc đánh thắng ông ta. 




Sự khâm phục của ông ta đối với Phong Thanh Dương không chỉ nể phục về kiếm thuật và đây còn là sự kính trọng đối với nhân cách, con người Phong Thanh Dương.


Phái Hoa Sơn có nhiều môn đồ, võ công chia làm 2 đường kiếm và khí, cao thủ lại không nhiều nhưng chỉ với 1 Phong Thanh Dương thôi cũng làm rạng danh Hoa Sơn phái.Tuy nhiên thực tế võ công Hoa Sơn ta thấy không phải là tuyệt đỉnh thiên hạ, từ thời khai tông lập phái cho đến thời Lệnh Hồ Xung có cả thảy 3 nhân vật gây tiếng tăm là Phong Thanh Dương, Nhạc Bất Quần, và Lệnh Hồ Xung. Phong Thanh Dương cùng Lệnh Hồ Xung lừng danh với môn Độc Cô Cửu Kiếm chứ không phải võ công bổn môn Hoa Sơn. Nhạc Bất Quần là đại diện cho phe Khí tông với môn Tử Hà Thần Công, tuy vậy kẻ đứng đầu môn phái lại bỏ võ công bổn môn để theo học môn kiếm pháp khác là Tịch Tà kiếm pháp.




Từ kẻ kiêu ngạo như Nhậm Ngã Hành hay người đức cao vọng trọng như Phương Chứng, Phương Sanh, Xung Hư cho đến kẻ tiểu tốt như Điền Bá Quang, khi nhắc đến Phong Thanh Dương đều thể hiện một sự tôn kính rõ ràng. Với kiếm thuật thần thông, ông được người đời tôn thờ nhưng oái ăm thay một kẻ thiên hạ vô địch lại chẳng có tâm tranh quyền đoạt lợi, ông ta phiêu diêu tự tại, chẳng màn thế sự, có lẽ việc gặp và truyền thụ võ công cho Lệnh Hồ Xung xem như là cái "duyên" cuối cùng trong cuộc đời của Phong Thanh Dương. Trong cuộc đời mình, Phong Thanh Dương vỏn vẹn gặp được 3 người mà ông ta thừa nhận là cao thủ thượng thặng, nhưng tiếc tay Kim Dung không cho ta biết 3 người đó là ai, nếu được ta cũng muốn biết xem ai mà được vị tuyệt thế cao thủ này đánh giá cao vậy.

Ta cũng không rõ cái tự do tự tại đó là vui hay buồn, là hạnh phúc hay né tránh thế sự nhiễu loan hay đó là sự cô độc của một tuyệt thế cao thủ. Dù thế nào thì Hoa Sơn Kiếm Tông Phong Thanh Dương hoàn toàn xứng đáng được coi là "Đệ nhất cao thủ"


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét