Đao Luận
Cũng như kiếm, đao là vũ khí chiến tranh cổ điển. Tuy nhiên, đao đứng đầu trong 4 thứ vũ khí: đao, thương, kiếm, kích.
Có
trường hợp, đao hình thành nên tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung.
Trong ký ức của tôi, vẫn còn in đậm nét người thiếu niên tiểu anh hùng
Hồ Phỉ, cưỡi con ngựa trắng, cầm cây đơn đao với sở học bài Hồ gia đao
pháp từ đất Sơn Đông đi về Trung Nguyên tìm cho ra kẻ thù đã giết cha
mình. Đó là nội dung bộ Lãnh nguyệt bảo đao, còn gọi là Thần đao Hồ đại
đởm. Câu truyện về Hồ Phỉ như một huyền thoại thật đẹp: tìm thấy kẻ thù
rồi, Hồ Phỉ vẫn giơ cao lưỡi bảo đao lóng lánh dưới bóng trăng lạnh,
không nỡ chém xuống. Bởi anh nhận ra kẻ thù của mình là một người chính
nhân quân tử - Đả biến thiên hạ vô địch thủ kim diện Phật Miêu Nhân
Phượng. Bởi anh nhận ra kẻ thù của mình không cố tình giết cha mình ngày
trước. Lãnh nguyệt bảo đao kết thúc một cách đột ngột, lơ lửng; mênh
mang tình nhân ái, đức bao dung; trở thành bài ca thật đẹp của chủ nghĩa
nhân đạo phương Đông.
Trong bộ Ỷ thiên Đồ long ký, hai chữ Đồ
long là tên gọi của lưỡi bảo đao mà mọi bang hội, võ phái giang hồ đời
Nguyên thèm khát. Tại sao thế? Ngoài khả năng chém sắt như chém bùn, bảo
đao Đồ long còn mang trong thân nó một pho binh thư tương truyền là của
Nhạc Phi - danh tướng chống quân Kim đời Tống - để lại. Đó là bộ Vũ Mục
di thư. Chính quần hùng Minh giáo đã tìm thấy pho di thư này, và với
những bài bản chiến tranh của Nhạc Vũ Mục, họ đã tìm được lối thoát khi
quần hùng Trung Nguyên bị quân Mông Cổ vây hãm, tiến hành cuộc chiến
tranh giải phóng dân tộc Trung Hoa thoát khỏi ách thống trị tàn bạo của
nhà Nguyên. Đồ long (giết rồng) thực sự không nói về tính năng của lưỡi
đao. Rồng đây chính là Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt. Người làm ra cây đao
Đồ long có khát vọng cao xa: mong người yêu nước đời sau lấy được binh
thư, đẩy được quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi, giết được vua nhà Nguyên để
trả hờn cho trăm họ Hán tộc. lưỡi đao Đồ long chính là biểu tượng của
bài ca yêu nước mà mọi dân tộc bị áp bức, bóc lột đều mong có được.
Lưỡi
đao còn khá phổ biến trong 9 bộ tiểu thuyết võ hiệp khác của Kim Dung.
Có 3 cách đánh đao: đơn đao, song đao và phi đao. Đơn đao là phép đánh
đao của một người. Song đao hay song đao hợp bích là phép đánh đao của
hai người cùng học một thầy, một sách liên kết để chống địch thủ. Phi
đao là loại đao cực ngắn, không dùng để đánh mà để phóng vào địch thủ.
Để phóng được phi đao, khách giang hồ phải đeo bao tay bằng sắt, gọi là
thiết sam hay thiết bố sam. Những nhân vật sử đao trong tác phẩm Kim
Dung thường là nhân vật tay chân linh hoạt, cơ trí hơn người. Tiếu ngạo
giang hồ xây dựng nhân vật Điền Bá Quang, tay cầm ngọn đơn đao, ngày
chân đi ngàn dặm, nổi danh vạn lý độc hành với 13 đường khoái đao linh
hoạt như gió táp, mưa sa. Chính Lệnh Hồ Xung đã có dịp đánh và nhớ lại
phương pháp khoái đao của Điền Bá Quang. Chỉ trong một hơi thở, hắn đã
đánh ra 13 thế khoái đao gồm đông, tây, nam, bắc, tiền, hậu, tung, hoành
rồi đà đao dừng lại, vững như núi Thái Sơn. Hắn đánh nhanh đến nỗi Lệnh
Hồ Xung nín thở và khi sư nương của Lệnh Hồ Xung là Ninh Trung Tắc cố
gắng biểu hiện lại đường khoái đao đó, Lệnh Hồ Xung chỉ lắc đầu. Bà dùng
kiếm, kiếm nhẹ hơn đao, đáng lẽ là đánh nhanh hơn đao. Nhưng đường kiếm
mô phỏng phép khoái đao của bà còn chậm nhiều so với đao pháp của Điền
Bá Quang.
Về sau này, Lệnh Hồ Xung luyện được phép Độc Cô cửu
kiếm do Phong Thanh Dương truyền cho. Anh đem kiếm pháp này dùng vào
phép đánh đao; cây đao của anh là vũ khí đoạt được từ tay cẩu quan Ngô
Thiên Đức. Anh đã cứu phái Hằng Sơn bằng cây đao đánh theo kiếm pháp,
nội công mạnh đến nỗi chưa kịp rút vỏ đao ra khỏi lưỡi, phóng đao tới,
đao khí đủ giết chết kẻ thù. Cây đao của Ngô Thiên Đức là một cây đao
cán dài (vì tướng quân thì phải đi ngựa). Lệnh Hồ Xung kẹp đao trong
nách, chìa cán ra phía sau, lấy cán đao làm vũ khí điểm huyệt. Trận
chiến cứu phái Hằng Sơn trong hang Long Tuyền chú kiếm cốc là trận chiến
mà thắng lợi thuộc về lưỡi đao rỉ sét của tham tướng Ngô Thiên Đức.
Cũng
trong Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung giới thiệu cho độc giả một lưỡi đao
rởm đời. Đó là Kim đao Vương Nguyên Bá, ông ngoại của Lâm Bình Chi, một
nhà giàu bậc nhất thành Lạc Dương, lấy biểu trưng là lưỡi đao bằng vàng.
Lệnh Hồ Xung mất hết công lực, theo chân phái Hoa Sơn đến nhà này ăn
báo cô mấy bữa. Các con của Vương Nguyên Bá vu cáo Lệnh Hồ Xung ăn cắp
Tịch tà kiếm phổ của dòng họ Lâm, dùng cầm nã thủ bẻ trật hai khớp tay
của Lệnh Hồ Xung, lục trong người anh lấy ra bản cầm phổ Tiếu ngạo giang
hồ mà chúng cho là kiếm pháp. Trước nỗi oan của học trò, bà Ninh Trung
Tắc đã đề nghị nhà họ Vương cùng đi đến ngõ Lục Trúc, thành Lạc Dương
nhờ Lục Trúc Ông xem thử đây là cầm phổ hay kiếm phổ. Và cơ duyên này đã
run rủi Lệnh Hồ Xung gặp được Thánh cô Nhậm Doanh Doanh. Chính hôm tiễn
Lệnh Hồ Xung ra đi, Lục Trúc Ông cũng ra một chiêu cầm nã thủ bẻ trật 4
khớp xương tay của hai người con Kim đao Vương Nguyên bá, trừng trị tội
hỗn láo với Lệnh Hồ Xung ngày trước.
Trong Hiệp khách hành, lưỡi
đao lại nhuốm một màu hài hước thú vị và màu hài hước đó được Kim Dung
diễn đạt một cách điềm tĩnh lạ lùng. Đó là lưỡi đao của Thạch Phá Thiên.
Sử bà bà giận chồng là Bạch Tự Tại, chưởng môn phái Tuyết Sơn, và cậu
con trai Bạch Vạn Kiếm. Bà bỏ nhà ra đi, dẫn theo cô cháu nội A Tú mới
14 tuổi. A Tú gặp Thạch Phá Thiên, cả hai kết làm đôi bạn nhỏ. Để trừng
trị chồng, Sử bà bà lập ra một phái - phái Kim Ô; sáng tạo ra đường đao
pháp mới: Kim Ô đao pháp. Thử hỏi, phái Tuyết Sơn (núi tuyết) mà gặp
phải Kim Ô (mặt trời) thì số phận Tuyết Sơn sẽ ra sao? Trong khi con
ruột của bà tên là Bạch Vạn Kiếm (đánh ra 10.000 thế kiếm) thì bà nhận
Thạch Phá Thiên làm đệ tử truyền nhân, đặt tên là Sử Ức Đao (đánh ra
100.000 thế đao) và dạy cho Thạch Phá Thiên những chiêu thức đao pháp
hoàn toàn là khắc tinh của Tuyết Sơn kiếm pháp. Chàng thiếu niên 15 tuổi
chăm chỉ học hành, càng học càng giỏi nhưng chẳng hề hiểu rõ ý đồ của
sư phụ. Riêng Bạch A Tú thì hiểu tất cả. Cô biết bà nội mình đang muốn
triệt hạ ông nội và cha của mình. Thử hỏi, 10.000 thế kiếm mà phải chống
đỡ với 100.000 thế đao thì số phận Bạch Vạn Kiếm sẽ ra sao? Cho nên, A
Tú đã quỳ xuống trước mặt Thạch Phá Thiên, xin chàng thiếu niên ngày sau
nhiêu dung cho ông nội và cha. Giữa cô bé và Thạch Phá Thiên đã có một
chút tình cảm nhẹ nhàng vượt qua tình bạn đơn thuần. Thạch Phá Thiên quí
người bạn nhỏ, hứa với cô sẽ không bao giờ sử ức đao của Kim Ô đao pháp
để phá bạch vạn kiếm của Tuyết Sơn kiếm pháp; rằng anh sẽ không bao giờ
làm hại ông nội và ba cô. Và về sau, anh đã nối kết được những tâm hồn
lạc lõng của phái Tuyết Sơn, đem hạnh phúc đoàn tụ về cho họ. Lưỡi đao
của anh chẳng giết ai cả, chỉ nhằm cứu người, giúp đời.
Đao gắn
liền với triết lý phương Đông. Trong võ hiệp Kim Dung, có Lưỡng nghi đao
pháp, Lục hợp đao pháp, Ngũ hổ đoạn môn đao, Ngũ hành bát quái đao, Âm
dương đao... những khái niệm triết học gắn liền với đường đao cụ thể,
buộc con người sử đao ít nhất cũng phải có một vũ trụ quan, một nhân
sinh quan để hiểu mình đang làm gì, phục vụ lợi ích nào.
Đao gắn
liền với tình yêu đôi lứa. Hồ Phỉ cầm đơn đao đi từ đất Sơn Đông sang
Trung Nguyên, gặp gỡ Viên Tử Y. Cả hai đang tuổi vào đời, tình bạn cực
kỳ thắm thiết, tình yêu chỉ mới chớm nụ. Họ cùng đi, cùng ăn, cùng ở gần
nhau trong ngôi cổ miếu, trong quán lương đình nhưng vẫn giữ lòng trong
sạch, không gợn chút bùn nhơ. Trong Lộc Đỉnh ký, Mỹ đao vương Hồ Dật
Chi là một nhân vật nức tiếng giang hồ, đao pháp tinh kỳ, khuôn mặt đàn
ông đẹp như ngọc. Hồ Dật Chi say mê một người phụ nữ: Trần Viên Viên.
Trần Viên Viên là hoa hậu trong làng kỹ nữ, từng là thứ thiếp của vua
Sùng Trinh cuối đời Minh mạt. Lý Sấm nổi loạn đánh Sùng Trinh, cướp được
Trần Viên Viên. Ngô Tam Quế phản Sùng Trinh, ép Sùng Trinh tự tử, đánh
đuổi được Lý Sấm, Trần Viên Viên thành vợ hờ của Ngô Tam Quế. Khi sang
Vân Nam nhậm chức Bình Tây vương của Khang Hy ban tặng, Ngô Tam Quế đã
đưa Trần Viên Viên đi theo, cho Viên Viên ở và tu hành trong một ngôi
chùa nhỏ ngoại ô thành Côn Minh. Viên Viên dốc hết cả lòng, hát Viên
Viên khúc giãi bày tâm trạng hồng nhan trôi nổi của mình. Mỹ đao vương
Hồ Dật Chi say mê nhan sắc đó, tình nguyện bỏ lưỡi đao giang hồ, trở về
nơi Trần Viên Viên tu hành, làm một người quét rác trồng hoa để được
nghe Viên Viên hát. Trọn cuộc đời phục thị cho người đẹp, Mỹ đao vương
nghe được chừng ba bốn chục câu. Lòng say đắm nhan sắc cỡ Hồ Dật Chi đã
mấy ai trên đời có được.
Lưỡi đao gắn liền với tấm lòng nhân ái,
tha thứ cho con người. Thiên Long bát bộ thuật chuyện bang chúng Cái
bang tụ tập chống lại bang chúa Kiều Phong, phạm tội khi sư diệt tổ,
phải lấy pháp đao ra hành hình. Nhưng bang qui của Cái bang cũng có điều
luật quy định bang chúa có quyền tự đổ máu mình để chuộc tội cho thuộc
hạ. Kiều Phong đã làm việc đó vì ông vốn thương yêu thuộc hạ. Ông tự lấy
dao đâm vào da thịt mình, xoá hết tội lỗi cho những kẻ đã mưu phản ông.
Câu chuyện làm ta nhớ đến tích Phật tổ tự cắt thịt mình cho chim ó ăn
để cứu lấy con thỏ vô tội.
Đao gắn liền với những cuộc chiến
tranh giữ nước. Lộc Đỉnh ký thuật lại chuyện quân dân đảo Đài Loan tiến
hành cuộc chiến tranh chống sự xâm lược của liên quân Hà Lan và Bồ Đào
Nha - tiếng Trung Quốc gọi chung là Hồng mao quỷ. Trước hoả khí cực kỳ
lợi hại của người Tây dương, người Trung Quốc đã tổ chức những đội Đằng
bài quân: toán trước dùng ván gỗ dầu quấn rơm che khít để chắn súng đạn,
toán sau chuyên sử đoản đao và đánh theo Địa đường đao pháp, chém vào
hạ bàn (chân cẳng) của địch. Kết quả là người Đài Loan đã đẩy lui được
những đợt tấn công của liên quân Tây dương. Học được kinh nghiệm đó, khi
sang biên giới Trung - Nga đánh nhau với quân Nga - mà người Trung Quốc
gọi là quân La Sát - tư lệnh Vi Tiểu Bảo đã tổ chức những toán Thanh
binh chuyên đánh Địa đường đao, tấn công chém chân ngựa của kỵ binh Kha
Tát Khắc (Cosaque). Vi Tiểu Bảo báo cáo:"chém được mấy ngàn cặp chân
lông lá" để ai hiểu sao thì hiểu vì chân ngựa có lông mà chân của chiến
sĩ kỵ binh Cosaque cũng có lông!
Đao là vũ khí để đấu tranh, để
giết người. Nhưng trong truyện võ hiệp Kim Dung, ít có ai bị giết, bị
thương bằng đao. Kim Dung nhiều lần nhắc lại câu trong kinh Phật: "Buông
lưỡi đao đồ tể xuống sẽ thành Phật". Nhiều nhân vật đã ngộ ra câu nói
ấy, trong đó có cả Kim mao sư vương Tạ Tốn, một nhân vật tàn độc trong
bộ Ỷ thiên Đồ long ký.
Trong tâm hồn tôi vẫn lấp lánh lưỡi đao
nhân ái của tiểu anh hùng Hồ Phỉ. Anh không nỡ chém lưỡi đao của mình
xuống thân thể kẻ thù Miêu Nhân Phượng. Dưới bóng trăng lạnh, lưỡi đao
lấp lánh và dừng lại ở khoảng không. Người đọc thở phào nhẹ nhõm, nhận
ra được sự thắng lợi của lòng nhân ái, của đức bao dung. Lãnh nguyệt bảo
đao đúng là một tác phẩm tiểu thuyết lạ lùng, khắc hoạ hình tượng lưỡi
đao vừa đẹp, vừa thơ mộng. Hồ Phỉ - con trai của Hồ Nhất Đao - đã làm
một việc mà cha mình chưa làm được: tha thứ cho kẻ thù và biểu dương
chính nghĩa của đường đao hành hiệp, cứu người
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét