Kiếm luận
Trong chiến tranh
cổ điển, kiếm (gươm) là một vũ khí tiện lợi nhất. Tuy không cùng học một
loại binh thư nhưng các dân tộc đã biết chung một kinh nghiệm chiến
tranh: dùng kiếm để đánh gần và dùng cung để bắn xa. Lịch sử chiến tranh
của nhân loại cho biết kiếm được rèn ở thành Baghdad (lúc bấy giờ thuộc
Ba Tư - Perse) là loại kiếm danh tiếng nhất, có kỹ thuật rèn cao cường
nhất. Và đây là những lưỡi đà kiếm, có hình cong hình lưỡi liềm. Kiếm
trong truyện võ hiệp Kim Dung cũng không đi ra khỏi kinh nghiệm ấy. Kiếm
quan trọng đến nỗi nhiều khi, những tác phẩm võ hiệp của ông được người
đời gọi là truyện kiếm hiệp - truyện về những người hành hiệp cứu đời
bằng lưỡi kiếm.
Có những tác phẩm của ông đã khắc hoạ vai trò cao cả của lưỡi kiếm. Đó là trường hợp bộ Ỷ thiên Đồ long ký. Trong 5 chữ, thì đã có hai chữ Ỷ thiên là tên gọi của một thanh kiếm báu mà theo tác giả, được đúc bằng thép nguyên chất pha lẫn platin và trong thân kiếm có cất dấu một pho bảo lục: bộ Cửu âm chân kinh. Tiếu ngạo giang hồ cũng là một tác phẩm đồ sộ nói về cây kiếm với những phái sử dụng kiếm gọi là Ngũ nhạc kiếm phái: Thái Sơn, Hành Sơn, Hoa Sơn, Tung Sơn, Hằng Sơn. Bộ Liên thành quyết là một bộ tiểu thuyết viết về một pho kiếm pháp mà bài kiếm quyết là một bài thơ; thầy đã cố dạy sai cho học trò để che dấu lời hướng dẫn đi tìm một kho báu lớn có giá trị liên thành. Ngoài ra, trong 12 bộ tiểu thuyết, luôn luôn xuất hiện người sử kiếm (kiếm sĩ) và kiếm sĩ luôn luôn nhiều hơn những bọn hào sĩ giang hồ sử dụng những loại vũ khí khác.
Về mặt chất liệu làm kiếm, Kim Dung nói đến loại kiếm sắt, kiếm gỗ, kiếm vàng và kiếm pha hợp kim. Kiếm thông thường là kiếm sắt nhưng Kim Dung lại thường đề cập đến một loại sắt thép đặc biệt rất bén, chém sắt như chém bùn. Trương Tam Phong, tức Trương Quân Bảo, dùng một cây kiếm gỗ hành hiệp gọi là Chân võ, thành danh và trở thành tổ sư phái Võ Đang. Bọn thầy thuốc như Hồ Thanh Ngưu, Bình Nhứt Chỉ có cây đoản kiếm bằng vàng, chắc là để dùng trong khi mổ xẻ. Đặc biệt, kiếm Ỷ thiên như đã nói là một hợp kim gồm thép và platin và phải dùng đến đao Đồ long chém thì cả đao với kiếm mới cùng gẫy. Bọn đệ tử Minh giáo kiếm được thanh kiếm Ỷ thiên gãy, đã dùng kỹ thuật luyện kim đặc biệt của Ba Tư để ráp kiếm lại và trong động tác ráp nối quyết định, còn thêm cả máu người vào. Chi tiết này thật hoang đường nhưng cực kỳ thú vị, không khỏi khiến bạn đọc nghĩ đến huyền thoại hai thanh kiếm thời Chiến quốc: Can tương và Mạc gia (còn gọi là Mạc tà).
Về tính chất, truyện võ hiệp Kim Dung đề cập đến hai loại kiếm: cương kiếm (kiếm rắn) và nhu kiếm (kiếm mềm). Trong Tiếu ngạo giang hồ, Tiêu Tương dạ vũ Mạc Đại tiên sinh, chưởng môn Hành Sơn, có cây kiếm mỏng như lá lúa, rút ra cầm tay thì mềm oặt nhưng khi vận công vào thì lưỡi kiếm giương thẳng ra và khi chiến đấu thì kiếm khí phát ra đầu mũi kiếm. Về hình thể, Kim Dung phân ra trường kiếm (kiếm dài) và đoản kiếm (kiếm ngắn). Nhũng nhân vật sử dụng đoản kiếm trong tác phẩm của ông thường là những người có gia số võ công đặc biệt, chuyên đánh cận chiến; chân tay rất linh hoạt. Kiếm bình thường thì thân thẳng. Cá biệt, trong Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung mô tả nhân vật Tái Bắc minh đà Mộc Cao Phong, một người gù như lạc đà (minh đà) vì có bướu trên lưng; y sử một cây đà kiếm cong cong hình lưỡi liềm. Đúng là đà nhân đà kiếm! Thanh kiếm đặc biệt của Mộc Cao Phong nhắc chúng ta nhớ lại hình ảnh những lưỡi kiếm cong của các đội quân Ả Rập trên sa mạc trong những phim nói về khu vực châu Phi.
Kiếm là một loại vũ khí cá nhân nên thường thường bọn hào sĩ sử đơn kiếm. Tuy nhiên cũng có những người chuyên đánh song kiếm. Lại có những cặp anh em, vợ chồng, bạn bè đồng môn sử đơn kiếm nhưng chuyên đánh đôi thành song kiếm hợp bích. Có lối đánh tập thể kết làm kiếm trận. Triết học Đông phương đã đi vào bài bản kiếm pháp với Lưỡng nghi kiếm pháp, trong đó hai người cùng đánh: một người theo chính Lưỡng nghi, một người theo phản Lưỡng nghi. Có chính có phản mới thành hợp bích chẳng khác nào có thèse, có antithèse mới ra được synthèse trong triết học Hy Lạp.
Về nguyên tắc sử kiếm, Kim Dung đưa ra Kiếm tông và Khí tông. Kiếm tông chú trọng kiếm chiêu, ra đòn liên miên bất tuyệt để thủ thắng. Khí tông chú trọng nội công, cho rằng nội công cao cường là chỉ đánh một vài chiêu là có thể triệt hạ địch thủ. Đây chính là sự mâu thuẫn trong nội bộ phái Hoa Sơn, khiến phái này tương tranh đến nỗi gần tuyệt diệt.
Để có thể sử kiếm, người ta phải học kiếm pháp. Kiếm pháp được hiểu là nguyên tắc hướng dẫn sử một đường kiếm chuyên môn của một phái hay một nhà (gia). Kiếm pháp được cụ thể hoá thành một bài ca và người kiếm sĩ phải học thuộc lòng từng câu, từng chữ. Những câu ca ấy được chép lại trên lụa, trên vải, trên giấy, trên da dê thì được gọi là kiếm phổ. Kiếm phổ chia ra từng chiêu, từng thức; mỗi chiêu thức có nhiều cách biến hoá linh động. Kim Dung đã thực sự đưa người đọc đi vào một thế giới mộng mơ thú vị khi ông đề cập đến những Thái Sơn thập bát bàn, Hành Sơn thập tam thức và lý giải Lưỡng nghi kiếm pháp có 64 thế.
Tại sao lại là 64 thế? Ấy là vì Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái (quẻ); trong mỗi quái có 8 lần biến hoá, 8 lần 8 thành 64 thế. Đó là chính Lưỡng. Thế còn phản Lưỡng nghi? Phản Lưỡng nghi là đánh ngược lại những quy tắc của chính Lưỡng nghi, tạo ra một âm một dương, một trên một dưới, một trái một phải, một trước một sau... Thử tưởng tượng một đối thủ phải đấu với một cặp song kiếm Lưỡng nghi! Kim Dung chỉ đặt vấn đề và chúng ta tưởng tượng.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung nói đến một thứ kiếm pháp lãng mạn hơn: Độc Cô cửu kiếm do Phong Thanh Dương truyền lại cho Lệnh Hồ Xung. Đây vốn là kiếm pháp của Độc Cô Cầu Bại, chỉ gồm có 9 thức: Tổng quyết thức, Phá kiếm thức, Phá khí thức, Phá thương thức, Phá chưởng thức, Phá tiên thức, Phá đao thức, Phá tiễn thức và Phá côn thức. Với 9 thức đó, Độc Cô Cầu Bại đánh thắng tất cả các địch thủ khiến cho không ai còn dám đến đánh kiếm với ông. Ông rơi vào cô đơn (Độc Cô), chỉ mong được thua một lần (Cầu Bại) mà không ai có thể khiến ông thua được, cuối cùng chết đi trong lặng lẽ!
Phong Thanh Dương cắt nghĩa: Độc Cô cửu kiếm đánh theo kiếm ý, nghĩ đến đâu là đánh đến đó, muốn đánh thế nào cũng được, chỉ có công chứ không bao giờ quay về thủ. Hễ địch đánh 100 chiêu, ta đánh 101 chiêu; địch đánh 1000 chiêu, ta đánh 1001 chiêu; liên miên bất tuyệt như nước chảy mây trôi. Lệnh Hồ Xung nghe được thứ kiếm pháp như vậy, anh ta mừng như điên vì tâm tính anh ta vốn lãng mạn. Và trận ra oai đầu tiên của Độc Cô cửu kiếm vừa khiến Lệnh Hồ Xung, vừa khiến chúng ta kinh hãi: Lệnh Hồ Xung mất hết công lực, chỉ sử một chiêu Phá khí thức, đã đâm mù mắt 15 tên ác đồ của phái Tung Sơn!
Kiếm nằm trong vỏ là biểu hiện của hoà bình; kiếm rút ra khỏi vỏ là biểu hiện của đấu tranh. Thậm chí với Diệt Tuyệt sư thái, chưởng môn phái Nga Mi trong Ỷ thiên Đồ long ký, mỗi khi rút kiếm Ỷ thiên ra, kiếm không dính máu là chưa đút vào vỏ. Rút kiếm ra khỏi vỏ, người ta thường bắt kiếm quyết: mũi kiếm hướng lên trời, mũi kiếm chỉ xuống đất, mũi kiếm chỉ ra phía trước, thân kiếm hoành ngang người... Chiêu đầu tiên của những người nhỏ tuổi khi đấu với người trưởng thượng phải là chiêu thi lễ: hai tay đưa thẳng kiếm lên khỏi đầu là Vạn nhạc triều tôn; hai tay nắm lấy đốc kiếm, cả người và kiếm cùng cúi tới trước là Đồng tử bái Quan Âm.
Sử kiếm là cả một nghệ thuật. Dương Qua và Tiểu Long Nữ trong Xạ điêu anh hùng truyện sử Ngọc nữ kiếm pháp một cách uyển chuyển mỹ lệ như một cặp múa đôi. Tả Tử Mục, chưởng môn phái Vô Lượng trong Thiên Long bát bộ sử kiếm chém con rắn đang cuốn lấy người học trò, rắn đứt đôi mà da học trò vẫn không xây xát. Ninh Trung Tắc của phái Hoa Sơn sử thế kiếm quyết định đâm vào người học trò là Lệnh Hồ Xung, kiếm vừa chạm đến da, đã chuyển kình lực đâm thẳng thành kình lực bẻ ngang, khiến thanh kiếm gẫy làm nhiều mảnh rơi xuống choang choảng.
Trong đường kiếm còn có cả tình yêu đôi lứa. Nhạc Linh San cùng Lệnh Hồ Xung thầm yêu nhau, đã lén cha mẹ luyện môn Xung - Linh kiếm pháp, khi múa lên đôi mắt mơ màng, đôi lòng ấm áp. Vì họ còn rất trẻ nên nghịch ngợm, nghĩ ra ra chiêu Nhĩ tử ngã hoạt (người chết ta sống), tính toán kỹ luồng lực đạo, bộ vị, phương hướng sao cho đâm một lần hai đầu mũi kiếm phải dính vào nhau, hai thân kiếm nối thành một đường thẳng.
Những kiếm chiêu trong truyện võ hiệp Kim Dung được ông đặt tên rất hay: Thuận thủy thôi chu (theo nước đẩy thuyền), Lãng tử hồi đầu (người trai ra đi đã quay đầu lại), Thương tùng nghênh khách (tùng xanh đón khách), Trường Giang tam điệp lãng (ba đợt sóng trên sông Trường Giang)... Đôi khi, có những chiêu kiếm phát quá nhanh, máu không kịp chảy. Trong Lộc Đỉnh ký có nhân vật Phùng Tích Phạm mang ngoại hiệu Nhất kiếm vô huyết (một đường kiếm không chảy máu). Nói thì vậy nhưng khi Phùng Tích Phạm đánh Song Nhi, người hầu của Vi Tiểu Bảo, đâm cô một kiếm, máu vẫn chảy ra như thường. Cho nên Vi Tiểu Bảo gọi giễu Phùng Tích Phạm là Bán kiếm hữu huyết (nửa chiêu kiếm đã có máu). Có những chiêu phi kiếm, phóng kiếm bay trong không gian để giết địch thủ. Có những chiêu hoán thủ kiếm: kiếm đang cầm tay phải, đột ngột đổi qua cầm tay trái.
Người ỷ có kiếm trong tay chưa chắc đã thủ thắng. Tiểu anh hùng Hồ Phỉ trong Phi hồ ngoại truyện học được phép Không thủ đoạt bạch nhận, chuyên dùng tay không đoạt kiếm kẻ khác. Lệnh Hồ Xung có chiêu dùng ngón tay búng vào sống kiếm đối phương cho kiếm văng đi. Nhậm Ngã Hành phát Phách không chưởng, chưởng lực đủ sức đánh oằn thanh kiếm của địch thủ. Những kiểu mô tả vừa có cơ sở thực tế, vừa không tưởng khiến chúng ta cảm thấy thú vị.
Nhưng thú vị nhất có lẽ vẫn là những trận đấu kiếm mà không có kiếm, không dùng kiếm. Vương tử Đại Lý Đoàn Dự đã học được Lục mạch thần kiếm của chùa Thiên Long, nước Đại Lý, dùng kình lực của nội công phát ra 6 ngón tay theo 6 đường Thiếu dương, Thiếu âm, Thiếu xung, Trung xung, Thiếu trạch. Kiếm khí của anh ta đánh cho Mộ Dung Phục tơi tả, hoảng hốt trước hàng vạn đôi mắt quần hùng tụ tập tại chùa Thiếu Lâm. Hai trận đấu kiếm kỳ lạ nhất là hai trận đấu giữa Lệnh Hồ Xung và Xung Hư đạo trưởng, chưởng môn phái Võ Đang. Lần thứ nhất, dưới chân núi Võ Đang, Lệnh Hồ Xung và Xung Hư đứng cách nhau cả chục bước, chỉ lấy mắt mà nhìn huyệt đạo của nhau. Ấy vậy mà Xung Hư chịu thua. Lần thứ hai, trong chùa Thiếu Lâm, Lệnh Hồ Xung và Xung Hư đã rút kiếm ra nhưng Xung Hư chỉ đứng xa Lệnh Hồ Xung và nghĩ ngợi, cuối cùng chịu thua. Ấy là vì cả hai chỉ đấu kiếm ý chứ không đấu kiếm chiêu.
Kiếm là vũ khí nhưng những kiếm sĩ không lạm dụng kiếm chiêu để giết người. Đọc văn Kim Dung, ta thường thấy những cụm từ "điểm tới là thôi", "đủ phân thắng bại", “kiếm hạ lưu tình”. Người ta dùng kiếm để họp bạn và những lần gặp gỡ như vậy được gọi là "luận kiếm". Người ta lỡ tay dùng kiếm giết người không khỏi có điều hối hận, đau khổ. Cho nên, đã có những kiếm sĩ của Kim Dung bẻ kiếm bên trời (thiên nhai triết kiếm), đã có những người "rửa tay gác kiếm". Lại có những người treo kiếm lên không dùng tới, dấu kiếm trong cây đàn, để kiếm hoài trong vỏ không rút ra được nữa.
Hà Túc Đạo trong Ỷ thiên Đồ long ký được xưng tụng là tam thánh: Cầm thánh, Kỳ thánh, Kiếm thánh nhưng cuối cuộc đời, anh ta quay về đỉnh Kinh Thần Phong ngoài núi Côn Lôn xa xôi vạn dặm, treo cây kiếm lên và lặng lẽ nhớ đến cô bé Quách Tương 19 tuổi. Đã có một lần, Hà Túc Đạo vừa đấu kiếm chống 3 kẻ địch, vừa phóng chỉ vào cây đàn để dưới đất, đàn cho Quách Tương nghe một cầm tấu khúc mới nhất. Quách Tương nghe tiếng đàn và đỏ mặt lên, biết Hà Túc Đạo viết khúc cầm phổ này để tặng cho mình. Họ chỉ gặp nhau một lần ngắn ngủi trong rừng chùa Thiếu Lâm và xa nhau một đời. Làm sao mà cuộc đấu kiếm hung hiểm lại có thể cùng diển ra một lúc với cung đàn thanh thoát, trữ tình? Mặc kệ, Kim Dung cứ viết. Ông đúng là nhà văn lãng mạn, lãng mạn ngay trong đường đao mũi kiếm. Và vì vậy trong tác phẩm võ hiệp của ông, ngay những loại kiếm pháp, kiếm trận hung hãn nhất vẫn luôn luôn lấp lánh những khúc tình ca.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét