Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

NHỮNG NHÂN VẬT QUÁI DỊ TRONG TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP KIM DUNG

Khái niệm nhân vật quái dị không phải là khái niệm do  tôi tạo ra mà là một khái niệm nằm trong văn chương tiểu thuyết của Kim Dung tiên sinh. Văn chương của ông thường có các cụm từ "trông lão thật là quái dị" hoặc "khuôn mặt của gã thật là quái dị". Tuy viết như thế nhưng khái niệm quái dị không ngừng lại ở chỗ mô tả ngoại hình, động tác. Khái niệm quái dị đi vào chiều sâu nhân cách của các nhân vật, chủ yếu đưa ra những cách sống, cách tư duy khác đời và lắm khi, đi ngược lại cái lẽ thường của cuộc sống.





Trong Tiếu ngạo giang hồ, ta bắt gặp nhân vật quái dị tiêu biểu là Tiêu tương dạ vũ Mạc Đại tiên sinh. Thân danh là chưởng môn của phái Hành Sơn, Mạc Đại luôn luôn ăn mặc rách rới như một gã Cái bang, chơi một cây dao cầm (hồ cầm) cũ kỹ và miệng luôn hát bài Tiêu Tương dạ vũ (mưa đêm trên bến Tiêu Tương). Thế nhưng, trong đáy cây dao cầm của tiên sinh có dấu một cây kiếm lưỡi mỏng như lá lúa, rất lợi hại. Mạc Đại được xưng tụng là "cầm trung tàng kiếm, kiếm phát cầm âm" (trong đàn có dấu một cây kiếm, và khi múa kiếm thì lại phát ra tiếng đàn). Khi tiên sinh rút kiếm ra khỏi cây đàn, vận công vào thân cây kiếm khiến kiếm khí phóng ra veo véo nơi đầu mũi. Với "Hành Sơn vân tụ thập tam thức", chưa có một đối thủ nào thoát khỏi tay Mạc Đại tiên sinh.

Trong Tiếu ngạo giang hồ, Mạc Đại chỉ xuất hiện ra ba đoạn, cộng lại không quá mười trang sách nhưng đã gây được ấn tượng mạnh mẽ và chiếm được cảm tình nồng thắm nơi người đọc. Đoạn thứ nhất, tiên sinh bất ngờ xuất hiện trong tửu quán dưới chân núi Hành Sơn, bất ngờ rút kiếm chém đứt tiện 7 chiếc trà trên bàn mà những giang hồ hảo thủ ngồi quanh không thể hiểu được tiên sinh đã rút kiếm ra và thu kiếm về lúc nào. Đoạn thứ hai, Mạc Đại hiện ra đúng lúc, múa kiếm giết chết Đại tung dương thủ Phí Bân của phái Thái Sơn để cứu sư đệ của mình là Lưu Chính Phong cùng Khúc Dương (trưởng lão Ma giáo), Khúc Phi Yên (con gái của Khúc Dương), Lệnh Hồ Xung (đệ tử Hoa Sơn) và Nghi Lâm (đệ tử Hằng Sơn). Giết xong Phí Bân, tiên sinh đút kiếm vào đàn, ung dung ra đi, giọng đàn dao cầm lại ngân lên khúc tình tang Tiêu Tương dạ vũ. Đoạn thứ ba, Mạc Đại hiện ra giữa đêm khuya bên bến sông Trường Giang, trách cứ Lệnh Hồ Xung là gã vong tình, không lo đi lên chùa Thiếu Lâm cứu người yêu mình là Nhậm Doanh Doanh mà cứ bo bo đi theo bầy nữ đệ tử của phái Hằng Sơn. Lời trách cứ của tiên sinh làm Lệnh Hồ Xung toát mồ hôi. Mạc Đại khoát tay hối Lệnh Hồ Xung ra đi và chính tiên sinh nhận nhiệm vụ bảo toàn cho bọn nữ ni Hằng Sơn về núi.

Con người quái dị ấy thoạt ẩn thoạt hiện, mang phong cách của một đạo gia Lão Trang, ung dung tiêu sái giữa cuộc đời. Duy có tiếng đàn và điệu ca Tiêu Tương dạ vũ của tiên sinh luôn luôn trĩu nặng nỗi u buồn, chưa thoát khỏi vòng hệ luỵ của cuộc sống, như dòng nước có đi mà không bao giờ có lại. Mạc Đại là hình ảnh tiêu biểu của một thứ trích tiên bị đoạ.

Tuy nhiên, trong Tiếu ngạo giang hồ, không phải chỉ có duy nhất nhân vật Mạc Đại là quái dị. Người ta còn tìm thấy một gã Tổ Thiên Thu, con người đầy mình mưu kế, văn võ song toàn nhưng lại ăn mặc như một anh đồ nghèo kiết xác, đã ăn cắp Tục mệnh bát hoàn của một người bạn thân là Lão Đầu Tử nhằm pha rượu cứu mạng Lệnh Hồ Xung. Người ta còn tìm thấy một gã Lão Đầu Tử lùn tịt như trái dưa, võ công cao cường, khi cười khi khóc, hợp cùng Tổ Thiên Thu thành ra cặp nhân vật Hoàng Hà Lão Tổ. Chính Lão Đầu Tử rất căm hận Lệnh Hồ Xung đã "nuốt" mất 8 viên thuốc bửu bối nhằm cứu mạng con gái mình nhưng khi biết được Lệnh Hồ Xung là người tình của Thánh cô Nhậm Doanh Doanh, lão đã tự vả má mình cho vọt máu vỡ da.

Trong Tiếu ngạo giang hồ, một nhân vật quái dị khác cũng gây ấn tượng không kém là Bình Nhứt Chỉ đại phu, nổi danh Sát nhân danh y, chuyên chẩn bệnh bằng một ngón tay (nhứt chỉ) và hễ cứu một người là giết một người. Không cứu được Lệnh Hồ xụng, lão đã tự vận Kỵnh mạch cho đứt tuyệt để bảo vệ ngọai hiệu Sát nhân danh y.

Nghe đến bốn chữ Đông Phương Bất Bại (không bao giờ thua), người đọc cứ ngỡ đây là một vị anh hùng hảo hán. Không, gã giáo chủ này chỉ là một người lại cái, đã tự thiến bộ phận sinh dục của mình để luyện Quỳ hoa bảo điển, đã quan hệ đồng tính luyến ái với một thủ hạ lân cận là Dương Liên Đình. Tuy nhiên, võ công của Đông Phương Bất Bại cực kỳ cao cường. Gã đã chống trả lại 4 kẻ đại địch là Nhậm Ngã Hành, Nhậm Doanh Doanh, Lệnh Hồ Xung và Hướng Vấn Thiên chỉ với một mũi kim thêu! Nhậm Doanh Doanh đã dùng đến một đòn phép tệ hại nhất: hành hạ "người tình" Dương Liên Đình để phân tâm Đông Phương Bất Bại, giúp cha mình giết chết Đông Phương Bất Bại.

Nhưng nhân vật quái dị được người đọc yêu mến nhất trong Tiếu ngạo giang hồ vẫn là Phong Thanh Dương, sư thúc của Nhạc Bất Quần, phái Hoa Sơn. Phong Thanh Dương là đại biếu của phe Kiếm tông (lấy kiếm làm chủ) trong khi Nhạc Bất Quần là đại biểu của phe Khí tông (lấy nội công làm chủ). Chính Phong Thanh Dương đã mắng Nhạc Bất Quần là kẻ xuẩn tài (có tài mà ngu), biến những kẻ tài năng như đệ tử Lệnh Hồ Xung thành ra ngựa gỗ, trâu đá. Phong Thanh Dương truyền thụ cho Lệnh Hồ Xung 9 thế kiếm của Độc Cô Cầu Bại với một câu quyết duy nhất "sử kiếm liên miên bất tuyệt như nước chảy mây trôi, nghĩ đến đâu là kiếm tới đó để chiếm tiên cơ, đẩy kẻ địch vào thế phải thủ". Toàn bộ lý thuyết của Phong Thanh Dương là "lấy vô chiêu thắng hữu chiêu và lấy công làm thủ ". Lệnh Hồ Xung đã học được bài học quý giá đó từ thái sư thúc tổ, trở thành kẻ đối nghịch với sư phụ Nhạc Bất Quần, hạ Nhạc Bất Quần và môn Tịch tà kiếm phổ của họ Nhạc, trở thành kiếm sĩ đệ nhất giang hồ. Phong Thanh Dương mình gầy như con hạc, sắc mặt điêu linh tiều tuỵ, chỉ xuất hiện một lần mà danh tiếng của Phong đã làm quần hùng chấn động.

Nhân vật quái dị đến đâu cũng là con người nên vẫn mang theo những đặc điểm, yếu tính của con người. Thế nhưng, khác hơn con người nói chung, nhân vật quái dị suy nghĩ, sống và hành động theo ý mình và thông thường sự suy nghĩ, sống và hành động đó lại vượt ra những khuôn sáo bó buộc của lương tâm, luật pháp, đạo đức. Nó gây một sự kinh ngạc và thậm chí, là sự kinh sợ cho người đọc. Một hình tượng tiêu biểu cho motif này là nàng Ôn thị, vợ của Phó bang chúa Cái bang Mã Đại Nguyên trong Thiên Long bát bộ. Tác giả Kim Dung chỉ để cho Ôn thị xuất hiện hai lần trong Thiên Long bát bộ. Lần thứ nhất với vẻ nhu mì và đau thương của một vị vong nhân (đàn bà mới goá chồng), lần thứ hai với toàn bộ phong cách dâm đãng và man rợ của một người mắc chứng cuồng dâm. Hai hình tượng đối lập trong một con người có nhan sắc tuyệt vời thật khiến cho người ta kinh sợ đến dựng cả tóc gáy.

Mọi chuyện bắt đầu từ Bách hoa đại hội, Ôn thị theo chồng là Mã Đại Nguyên, Phó bang chúa Cái bang, đi dự hội hoa xuân này. Nhan sắc tươi đẹp của người phụ nữ này đã làm cho hàng ngàn anh hùng hảo hán kinh ngạc, thán phục. Nhưng có một người không để ý tới tấm nhan sắc đó. Người đó là Bang chúa Cái bang Kiều Phong. Thật ra, Kiều Phong không hề coi thường vẻ đẹp phụ nữ; ông chỉ nghĩ rằng Ôn thị là vợ của thuộc hạ mình, cần phải giữ đúng lễ. Thế nhưng điều đó đã làm Ôn thị căm thù và lập tâm sẽ hại Kiều Phong để ông thân bại danh liệt. Nàng ta dựng lên một nghi án, cáo giác rằng chồng nàng biết Kiều Phong là giòng giống man rợ Khất Đan nên Kiều Phong đã giết chồng nàng để bịt miệng. Trong rừng hạnh ngoài thành Vô Tích, Ôn thị đã xuất hiện trong tư thế một người đàn bà đang chịu tang chồng, tiết lộ thân thế Khất Đan của Kiều Phong đã làm quần hùng Cái bang kinh tâm. Họ trở mặt khinh miệt ông, coi ông là kẻ thù. Kiều Phong phải đau đớn rời bỏ chức vụ, ra đi.

Kiều Phong sẽ không bao giờ hiểu được động cơ nào đã đưa Ôn thị đến việc vu cáo mình đã giết Mã Đại Nguyên, người bạn mà ông rất yêu mến, nếu không có một đêm ông rượt theo dấu vết Đoàn Chính Thuần và tận mắt chứng kiến tấn kịch man rợ tại nhà Ôn thị. Hoá ra, Ôn thị là người tình cũ của Đoàn Chính Thuần; họ đã quan hệ thân xác với nhau và trong cơn say đắm Đoàn Chính Thuần đã thề rằng nếu ông phụ Ôn thị, thân thể sẽ bị lóc thành từng miếng thịt. Gặp lại Đoàn Chính Thuần, Ôn thị vui vẻ mở tiệc rượu cùng Đoàn Chính Thuần ăn uống đùa giỡn rồi bỏ thuốc mê vào rượu đầu độc Đoàn Chính Thuần. Ôn thị trói Đoàn Chính Thuần lại, nhắc lại lời thề xưa và há miệng cắn từng miếng thịt của tình lang! Chính trong dịp này, Ôn thị đã tiết lộ cho Đoàn Chính Thuần biết rằng mụ đã hãm hại Kiều Phong; rằng người giết Mã Đại Nguyên - chồng mụ - không ai khác hơn là Bạch Thế Kính, chấp pháp trưởng lão Cái bang và là một tình lang khác của mụ; và rằng Bạch Thế Kính đã nhại theo chiêu thức Toả hầu cầm nã thủ của Kiều Phong để bóp nát yết hầu Mã Đại Nguyên, dễ dàng thực hiện âm mưu vu cáo! Ôn thị là một nhân vật nữ vô cùng quái dị trong suốt 12 bộ kiếm hiệp tiểu thuyết Kim Dung. Trong văn học thế giới, chưa thấy có một nhân vật nữ nào đáng nể như nàng Ôn thị. Phải chăng, đó chỉ là sản phẩm thuần tuý hư cấu của trí tưởng tượng, trên đời này không hề có một phụ nữ như vậy?

Nhưng Thiên Long bát bộ không chỉ có Ôn thị mà còn có Trấn Nam vương phi Đao Bạch Phụng, vợ chánh thất của Đoàn Chính Thuần, cũng quái dị không kém. Thân danh là Vương phi của nước Đại Lý, Đao Bạch Phụng đã khám phá ra chồng mình ngoại tình với nhiều phụ nữ khác. Vậy là bà ta trả thù và cách trả thù cũng khá độc đáo: cho một gã ăn xin rách rưới hôi hám ăn nằm với mình. Lần ăn nằm đó đã sinh ra một anh thế tử bảnh trai, một nhà nho trẻ lãng mạn, si tình. Đó là Đoàn Dự. Gã ăn mày dơ bẩn đó là ai? Chính là Đoàn Diên Khánh, nhân vật đại biểu của hoàng gia nước Đại Lý, tranh chấp ngai vàng không được, đã để quyền lực cầm đầu nước Đại Lý lọt vào tay Đoàn Chính Minh, anh ruột của Đoàn Chính Thuần.

Kim Dung để cho Đoàn Dự lưu lạc giang hồ, yêu một lúc ba cô gái Mộc Uyển Thanh, Chung Linh, Vương Ngữ Yên; toàn là những người con tư sinh của Đoàn Chính Thuần. Cho đến khi chàng trai tuyệt vọng vì khám phá ra rằng mình đang yêu những cô em cùng cha khác mẹ thì Trấn Nam Vương phi mới kề tai con mà tiết lộ rằng chàng không phải là con của Đoàn Chính Thuần mà là con của Đoàn Diên Khánh! Một bà vương phi có ngoại hiệu là Ngọc diện Quan Âm mà lãng mạn và liều mạng đến thế thì thôi!

Nhân vật quái dị tuy sống rất khác đời nhưng lại sống rất người. Đối với họ, cái vỏ luân lý, đạo đức của đạo Nho không cứng lắm, có thể phá vỡ để thoát ra được để sống đúng như lòng mình muốn sống. Trong Xạ điêu anh hùng truyện, bất kỳ người anh hùng hào kiệt nào cũng lên án mối tình Tiểu Long Nữ - Dương Qua vì nàng Tiểu Long Nữ là sư phụ mà chàng Dương Qua là đồ đệ. Nho học và cả võ học Trung Quốc chưa hề cho phép một đứa học trò trai được yêu và lấy cô giáo của mình. Kim Dung lãng mạn và cách mạng hơn: ông cho phép họ thương yêu nhau và vượt xa hơn một chút, ông cứ để cho Tiểu Long Nữ mất trinh vì một gã đệ tử hạng bét của phái Toàn Chân. Mất trinh thì mất, Dương Qua chỉ biết yêu cô giáo của mình là Tiểu Long Nữ và ngược lại, trong đôi mắt của Tiểu Long Nữ chỉ có chàng Dương Qua mà thôi. Họ dắt tay nhau đi đâu khi thành Tương Dương bị quân Mông Cổ bao vây? Chính tác giả cũng không biết điều đó. Tình yêu đã đưa họ đi thật xa, xa loài người, xa cuộc đời. Tiểu Long Nữ bỏ đi và Dương Qua tìm kiếm. Và rồi cô bé Quách Tương cũng bỏ đi tìm Dương Qua.

Có thể kể ra hàng trăm nhân vật quái dị trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Họ tạo ra đặc điểm riêng cho tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, tạo nên "phong cách quái dị" độc đáo đến nỗi, khi cầm lên một tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp in bằng tiếng Quan thoại cũng ký tên tác giả Kim Dung mà chẳng có "phong cách quái dị" này, ta có thể nói ngay đó là tác phẩm nguỵ tạo (nguỵ tác).

Văn là người. Tư Mã Thiên đau niềm đau của kẻ sĩ bị cung hình, ráng sống để viết nên bộ Sử ký đồ sộ, trở thành viên pháp quan toàn quyền phê phán lịch sử một cách nghiêm khắc và nghiêm túc. Khuất Bình đau niềm đau của kẻ cô trung bị phụ bạc mà viết lên Ly tao rồi tìm cái chết trên dòng sông Mịch La, để lại cho đời những câu phú ngậm ngùi khôn tả. Lỗ Tấn sinh ra và lớn lên trong giai đoạn lịch sử đau thương nhất của Trung Quốc, không thể khóc nổi nữa đành phải đi tìm nụ cười ra nước mắt trong A.Q chính truyện. Kim Dung xuất thân từ một gia đình có ông nội làm quan dưới triều vua Quang Tự, đã lớn lên và từ bỏ Hoa lục ra đảo Đài Loan, đã chứng kiến được những tác hại của tư duy giáo điều và chủ nghĩa công thức sơ lược nên ông đã làm người lội ngược dòng nước. Phương pháp luận của triết học là đưa ra một chính đề, phản biện lại thành một phản đề để đi đến một hợp đề khả dĩ chấp nhận. Qua những nhân vật quái dị, Kim Dung đã đưa ra những phản đề và phần hợp đề được ông giao lại cho người đọc, để người đọc tự nhận ra.

Rõ ràng là anh hùng - tiểu nhân, chính phái - tà phái, trinh tiết - bất trinh, Kiếm tông - Khí tông, vương đạo - bá đạo, cao quý - đê tiện, ôn nhu - dâm đãng... là nhữngmặt đối lập khốc liệt. Nào ai đúng, nào ai sai? Người đọc hãy tự lý giải. Kim Dung chỉ dặn dò chúng ta: thấy như vậy nhưng không hẳn là như vậy. Thế thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét